(PLO)- Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ số 1 đối với mặt hàng cua, ghẹ, tôm, cá của Việt Nam.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, do những tác động đến từ chính sách thuế, thị trường Mỹ đã nhường vị trí 1 cho thị trường Trung Quốc về giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, nửa năm đầu 2025, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,1 tỉ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cũng ghi nhận, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cua ghẹ và giáp xác khác lớn nhất của nước ta.
Trong 5 tháng đầu năm 2025 giá trị xuất khẩu đã tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 80 triệu USD. Năm 2025, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc có thể đạt 200 triệu USD, nếu tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường và xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa.
“Với nguồn hàng ổn định, chất lượng cải thiện, khả năng cung ứng linh hoạt, doanh nghiệp Việt ngày càng khẳng định được vị thế cạnh tranh tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Đặc biệt, giá con cua Việt Nam ổn định và phù hợp với phân khúc trung cao cấp, giúp dễ dàng thâm nhập các chuỗi nhà hàng, siêu thị và thương mại điện tử tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu”- Vasep nêu.
Đơn vị này cũng đánh giá, hiện nay người dân Trung Quốc có xu hướng tiêu dùng cua tươi, cua sống và các sản phẩm chế biến cao cấp.
Người tiêu dùng thành thị ưa chuộng các sản phẩm cua đóng gói tiện lợi, dễ chế biến, thân thiện môi trường và có chứng nhận truy xuất nguồn gốc.
“Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt là các dòng sản phẩm chế biến sâu như thịt ghẹ hấp chín, cua đóng túi chân không, cua bóc nõn IQF, vốn đang được ưa chuộng tại các kênh thương mại điện tử và nhà hàng cao cấp Trung Quốc”- Vasep gợi ý.
Đại diện Vasep cũng đánh giá thêm rằng, với lợi thế về địa hình, năng lực chế biến, hệ sinh thái cua ghẹ đang mở rộng, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
Ngoài cua ghẹ, trong những tháng đầu năm nay, Vasep cũng ghi nhận thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh ở một số mặt hàng khác như tôm hùm, tôm sú do những sản phẩm này có giá trị cao phù hợp làm quà biếu trong các dịp lễ hội.

Bên cạnh đó còn có mặt hàng cá tra. Số liệu cho thấy, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong tháng cuối của quý 2-2025 đạt 53 triệu USD, giảm 4% so với tháng 6-2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 249 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù tăng trưởng âm so với cùng kỳ, song Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định là thị trường tiêu thụ cá tra số 1 của Việt Nam.
Nói với PLO, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn tại tỉnh An Giang đánh giá, tuy người dân có giảm chi tiêu song thị trường tỉ dân vẫn luôn duy trì sức hút bởi mức tiêu dùng cao, khả năng ăn khỏe và thu nhập bình quân ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, từ đây đến cuối năm, thị trường này có nhiều dịp lễ lớn, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh đơn hàng tại nước này.
Dù vậy, vị đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cua ghẹ sang thị trường Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với một số thách thức như yêu cầu kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe.
Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh từ các nguồn cung lớn khác, cùng với đó là các chi phí logistics hoặc biến động chính sách thương mại nên đòi hỏi doanh nghiệp cần theo dõi sát sao.