Bernard, lao động nhập cư 45 tuổi người Philippines ở đảo Đài Loan, luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để không ai nhận ra và né tránh ánh mắt của mọi người.
Bernard sống kín tiếng, nói chuyện lúc nào cũng thì thầm, từ chối tham gia các buổi tụ họp đồng hương, bởi e ngại có “kẻ phản bội” chỉ điểm anh với chính quyền địa phương và đối mặt nguy cơ trục xuất.
Anh từ Philippines tới đảo Đài Loan theo con đường xuất khẩu lao động hợp pháp năm 2016, làm việc trong một nhà máy lắp ráp điện tử. Nhưng từ tháng 6/2024, Bernard trở thành một phần của nhóm lao động nhập cư không giấy tờ đang tăng nhanh ở Đài Loan.

Bảo mẫu cho em bé bú bình trong cơ sở bảo trợ mẹ và bé Harmony Home ở Đài Bắc ngày 27/4. Ảnh: Al Jazeera
Anh cho rằng công ty môi giới phải chịu trách nhiệm cho tình cảnh hiện tại của mình. Bernard cho hay công ty môi giới đã tìm cách thu hộ chiếu của anh, rồi thuyết phục anh nghỉ việc và không nhận khoản trợ cấp thôi việc từ chủ lao động. Bernard đều từ chối những đề nghị này, dẫn đến mâu thuẫn với công ty môi giới.
“Họ chỉ nói chuyện với bạn khi đến thu tiền hoặc khi muốn lừa bạn”, Bernard, người yêu cầu sử dụng tên giả vì sợ bị trả thù, nói.
Các công ty môi giới ở Đài Loan thường thu tiền trích từ lương của khách hàng và có ảnh hưởng đáng kể đến điều kiện cũng như cơ hội việc làm của họ, khiến mối quan hệ này dễ bị lợi dụng.
Khi hợp đồng của Bernard hết hạn năm 2022, công ty môi giới đã đưa anh vào danh sách đen với các nhà tuyển dụng khác, khiến anh không tìm được việc mới. Tuyệt vọng để kiếm tiền cho con gái ăn học ở Philippines, Bernard đã bỏ công ty môi giới và quyết định ở lại Đài Loan làm công việc xây dựng lặt vặt, dù quá hạn visa.
Những ngày tháng ấy khiến Bernard cảm nhận mình như “chim nhốt trong lồng”. Ở nơi công cộng, anh thậm chí không dám thốt ra từ “bất hợp pháp” bằng bất kỳ thứ tiếng nào, mà chỉ dùng tay ra hiệu mình đang làm chui.
Lực lượng lao động không giấy tờ ở Đài Loan đang tăng nhanh. Theo Cơ quan Lao động Đài Loan, số lượng lao động nhập cư không giấy tờ trên hòn đảo đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, lên 90.000 người hồi tháng 1, chủ yếu là người nhập cư đến từ các nước Đông Nam Á. Họ sống dưới nỗi thấp thỏm bị trục xuất và không được tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Chính quyền Đài Loan thể chế hóa hoạt động môi giới từ năm 1992, nhằm tạo thuận lợi cho tuyển dụng lao động từ bên ngoài. Hệ thống này khiến các công ty môi giới có quyền lực rất lớn với người lao động.
Các nhân viên môi giới thường có thể định đoạt hầu hết vấn đề trong cuộc sống của lao động nhập cư, từ nơi ăn chốn ở đến điều khoản hợp đồng và khả năng sử dụng dịch vụ công.
Những người ủng hộ quyền của người nhập cư cho rằng việc các công ty môi giới nắm quyền chi phối quá lớn đã thúc đẩy nhiều lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp.
Hơn một phần ba số đơn khiếu nại của người di cư gửi đến cơ quan quản lý lao động của Đài Loan có liên quan đến các công ty môi giới.
Joy Tajonera, linh mục Công giáo điều hành Trung tâm Ugnayan, nơi trú ẩn cho người di cư ở thành phố Đài Trung, cho rằng chính quyền Đài Loan chưa kiểm soát chặt chẽ vấn đề công ty môi giới.
“Hệ thống này cho phép các công ty môi giới có quyền gây bất lợi cho lao động nhập cư”, ông Tajonera nói. “Còn các nhà tuyển dụng lại phủ nhận mọi trách nhiệm”.
Các công ty môi giới thường tính phí dịch vụ hàng tháng 50-60 USD, đồng thời thu các khoản phí chuyển việc, bảo hiểm y tế, nghỉ phép và hầu hết giấy tờ cần thiết để người lao động làm việc tại Đài Loan. Trong một số trường hợp, họ còn áp đặt giới hạn độ tuổi cho một số ngành nghề.
Linh mục Tajonera cho hay nhiều lao động không có giấy tờ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu không có môi giới, nhưng khi đó họ sẽ mất tất cả quyền lợi như các khoản hỗ trợ xã hội và bảo hiểm y tế. “Không phải họ muốn bỏ trốn, mà là không thể chịu đựng thêm tình cảnh ấy nữa”, ông nói.
Cơ quan quản lý lao động Đài Loan cho rằng người nhập cư không giấy tờ ở hòn đảo gia tăng vì gián đoạn trong công tác trục xuất thời kỳ đại dịch Covid-19. Cơ quan này đã áp dụng nhiều biện pháp cải thiện điều kiện cho lao động nhập cư, như tăng lương tối thiểu, kiểm tra thường xuyên các công ty tuyển dụng, ban hành quy định đình chỉ mới đối với các công ty có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, và khuyến khích các nước xuất khẩu lao động giảm chi phí môi giới.
Bắt đầu từ năm ngoái, chính quyền Đài Loan tăng mức phạt tối đa đối với lao động nhập cư bị bắt vì ở lại quá hạn visa từ 330 USD lên 1.657 USD.
Lennon Ying-Da Wang, lãnh đạo Hiệp hội Phụng sự Con người chuyên hỗ trợ người di cư, chỉ trích quyết định này của chính quyền hòn đảo.
“Thay vì giải quyết lý do họ bỏ trốn, mức phạt này sẽ ngăn người lao động chui tự động khai báo”, ông nói.
Wang cho rằng việc thiếu các biện pháp bảo vệ, đặc biệt đối với những người làm trong ngành chăm sóc trẻ em và ngư nghiệp, là lý do chính khiến nhiều lao động nhập cư bỏ trốn khỏi nơi làm việc.
Tiêu chuẩn Lao động Đài Loan không áp dụng mức lương tối thiểu hàng tháng 944 USD với cả hai ngành này. Wang cho biết trên thực tế, người lao động thường chỉ nhận được một nửa số tiền đó sau khi trừ chi phí cho công ty môi giới.
“Họ chỉ muốn nhận được mức lương tử tế”, Wang nói. “Nhưng có một quy tắc ngầm giữa một số công ty môi giới là không tuyển những lao động nhập cư đã tìm giúp đỡ từ các cơ sở hỗ trợ, khiến họ phải chấp nhận làm chui”.
Wang, với tư cách là giám đốc của một cơ sở hỗ trợ được chính quyền tài trợ, không được phép tiếp nhận những lao động nhập cư đã trốn khỏi chủ lao động vì họ có thể bị trục xuất.
Li-Chuan Liuhuang, chuyên gia về lao động tại đại học Chung Cheng, cho biết khó có thể xóa bỏ ngay lập tức hệ thống môi giới, nhưng chính quyền Đài Loan có thể cải thiện công tác giám sát bằng cách “làm cho quy trình tuyển dụng và cơ cấu chi phí trở nên minh bạch hơn”.
Tại Lê Sơn, khu vực miền núi Đài Trung, hàng trăm lao động nhập cư không giấy tờ đang hái đào, lê và thu hoạch bắp cải cho các trang trại địa phương. Họ là nguồn lao động chính cho vụ thu hoạch, dù không được chính quyền chấp nhận.
Liuhuang muốn những người này được phép làm việc trong các trang trại, hưởng chế độ bảo vệ lao động phù hợp, nhưng thừa nhận việc này không dễ dàng. “Chính quyền sẽ phải nỗ lực nhiều hơn”, bà nói.
Mary, người yêu cầu sử dụng tên giả, từ bỏ công việc chăm sóc trẻ em để làm chui trong các trang trại trên núi vì quá thất vọng khi chỉ nhận được chưa tới một nửa mức lương tối thiểu và khiếu nại bị công ty môi giới phớt lờ.

Mary kiểm tra cây trồng trên núi Lệ Sơn ở Đài Chung ngày 8/4. Ảnh: Al Jazeera
Ngồi bên cạnh một luống bắp cải, Mary, 46 tuổi, cho hay luôn sợ sệt mỗi khi gặp cảnh sát trong thành phố. Nhưng ở Lệ Sơn, luật lệ lại khác, vì các chủ trang trại dường như đã đạt thỏa thuận ngầm với chính quyền địa phương.
“Không có chuyện ông chủ không có quan hệ với cảnh sát. Ông ấy luôn biết khi nào họ đến và bảo chúng tôi đừng ra ngoài”, cô nói.
Có điều, không có gì đảm bảo họ sẽ không bị lợi dụng. Mary cho hay sau mùa thu hoạch, các chủ trang trại đôi khi giữ lại tiền lương, đe dọa trục xuất bất kỳ ai kêu ca.
“Nếu tôi phàn nàn rằng ông chủ không trả lương, tôi sẽ bị báo với chính quyền. Khi đó ai sẽ giúp tôi đây?”, cô nói.
Hồng Hạnh (Theo Al Jazeera)