Thu thuế tự động hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: Hàng giá rẻ bất thường hết đất sống?

Từ ngày 1-8-2025, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai Thông tư 29/2025, quy định về việc thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tự động đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Thông tin này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, xem đây là giải pháp hiệu quả để chống thất thu ngân sách và sai sót trong công tác thu thuế.

Tuy nhiên, để tạo một sân chơi kinh doanh bình đẳng thực sự, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị thương mại điện tử, cho rằng cần có thêm các chính sách thuế quyết liệt hơn đối với hàng nhập khẩu.

Tăng thu ngân sách, siết chặt quản lý

Theo cơ quan hải quan, thời gian qua, việc thu thuế GTGT vẫn thực hiện thủ công, gây tốn kém nguồn lực, phát sinh khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đồng thời tiềm ẩn rủi ro sai sót và thất thu ngân sách.

Để khắc phục, Thông tư 29 đã thiết lập cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc thu thuế GTGT tự động qua hệ thống hải quan điện tử. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường minh bạch trong quản lý mà còn đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách Nhà nước.

Theo lộ trình, hệ thống sẽ được thí điểm từ ngày 9 đến 31-7-2025 với một số doanh nghiệp chuyển phát nhanh lớn. Từ ngày 1-8-2025, quy định sẽ được áp dụng đồng loạt với tất cả doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không, đường bộ và đường sắt.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thắng, một doanh nhân kinh doanh hàng điện tử tại TP.HCM, cho biết việc tự động hóa thu thuế GTGT sẽ tạo ra sự minh bạch trong công tác quản lý.

“Tôi cho rằng, cũng giống như các ngành nghề khác, khi số hóa việc thu – chi, mọi dữ liệu sẽ được minh bạch, có khả năng truy xuất và lưu trữ, giúp hạn chế các hành vi gian lận hoặc tình trạng thu sót, thu thiếu.

Việc Chính phủ ban hành Quyết định 01/2025/QĐ-TTg về việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp qua dịch vụ chuyển phát nhanh từ ngày 18-2-2025 đã góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn đang chiếm lĩnh thị phần đáng kể nhưng chưa có đóng góp tương xứng về thuế”- ông Thắng phân tích.

Cũng theo ông Thắng, việc áp thuế GTGT có thể tác động đến giá cuối cùng khi người tiêu dùng mua hàng từ các nền tảng quốc tế. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách này sẽ lành mạnh hóa môi trường kinh doanh chung.

Ông Trần Lâm, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Natural House, nhận định việc thu thuế tự động là một tín hiệu rất tích cực, giúp giảm thiểu sai sót, chống thất thu và tiết kiệm chi phí vận hành cho nhà nước.

“Đối với hoạt động kinh doanh, việc áp thuế GTGT sẽ yêu cầu các nhà bán hàng nước ngoài phải xuất hóa đơn đầu ra. Từ đó có thể phát sinh các nghĩa vụ thuế khác ở nước sở tại, góp phần ngăn chặn tình trạng các nhà bán hàng nước ngoài đưa ra mức giá rẻ phi thực tế như hiện nay”- ông Lâm nói.

thu thuế VAT
Từ ngày 1-8, Cục Hải quan sẽ thu thuế VAT tự động đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Ảnh trong bài: Người dân nhận hàng sau mua sắm. Ảnh: HẠ QUYÊN

Đại diện một doanh nghiệp vận chuyển lớn cho các sàn TMĐT tại Việt Nam chia sẻ, một container hàng thương mại điện tử có thể chứa hàng chục ngàn đơn hàng nhỏ lẻ. Vì vậy, đơn vị này đã phải tính toán, phân loại hàng hóa ngay từ điểm xuất phát để giảm tải cho khâu kiểm tra của hải quan trong nước, từ đó hạn chế rủi ro giao hàng trễ hẹn.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), cho rằng trước đây các mặt hàng giá trị nhỏ khi vào Việt Nam được miễn cả thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Điều này dẫn tới việc các nhà bán hàng ở nước ngoài lợi dụng chính sách để chia nhỏ đơn hàng nhằm lách thuế, hoặc đưa hàng vào Việt Nam dưới hình thức “xách tay” với mục đích tiêu dùng cá nhân nhưng thực tế lại đem bán, không có hóa đơn chứng từ, gây thất thoát thuế cho nhà nước.

“Đây là chính sách đúng đắn để quản lý hàng nhập khẩu. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp tránh sai sót, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế, và hạn chế tình trạng kinh doanh hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chính sách này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh công bằng hơn cho các doanh nghiệp trong nước”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 12-6-2025, chỉ sau hơn ba tháng chính sách có hiệu lực, tổng số thu thuế GTGT lũy kế từ hàng hóa giá trị thấp nhập khẩu đã đạt 667,1 tỉ đồng.

Cần thêm nhiều cú hích

Dù đánh giá cao những thay đổi tích cực, ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Midori, cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều băn khoăn. Ông đề xuất cần quản lý đồng bộ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, không chỉ riêng kênh chuyển phát nhanh.

“Nhiều người cho rằng việc thu thuế GTGT ngay lập tức tạo ra sân chơi bình đẳng, nhưng tôi không nghĩ vậy. Doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với chi phí nguyên vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng ít nhất 10%.

Trong khi đó, với ngành hàng thời trang, chúng tôi vẫn chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà bán hàng Trung Quốc, nơi đang có xu hướng bán tháo, xả hàng do khủng hoảng thừa. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thể mua hàng từ các nền tảng chưa được cấp phép tại Việt Nam và vận chuyển về qua đường chuyển phát nhanh.

Vì thế, ngay cả khi bị thu thuế GTGT, nếu không bị áp thuế nhập khẩu, họ vẫn có lợi thế cạnh tranh lớn hơn. Chưa kể, trên các nền tảng như Shopee, Lazada, TikTok Shop…, chi phí vận hành cho nhà bán hàng nước ngoài đôi khi còn được ưu đãi hơn so với nhà bán hàng Việt”- ông Vinh nêu thực tế.

Do đó, ông Vinh cho rằng để tạo sự công bằng, cần áp dụng chính sách thuế đồng bộ, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời nên áp cả thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị nhỏ.

Trước đó, trả lời PLO, chuyên gia thuế – Luật sư Trần Xoa cũng chỉ ra rằng, theo Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg, từ ngày 18-02-2025, hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế VAT, nhưng vẫn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ. Do đó, để bãi bỏ hoàn toàn việc miễn thuế nhập khẩu, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 18/2021.

Cùng chung góc nhìn, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, cho rằng để thúc đẩy thị trường công bằng, ngoài thuế, cơ quan quản lý cần rà soát, bổ sung các quy định bảo vệ người tiêu dùng và tăng cường quản lý giao dịch thương mại điện tử để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Quốc Anh cũng đề xuất các doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì nhãn mác, đồng thời tăng cường liên kết để phát triển thị trường nội địa và tận dụng các sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tranh cãi về miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị nhỏ

Tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính dự kiến miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống (với tổng giá trị mua không quá 48 triệu đồng/năm/người).

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối từ Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). VCCI cho rằng đề xuất có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước, bởi phần lớn đơn hàng thương mại điện tử xuyên biên giới thường có giá trị thấp.

Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm, lý giải rằng quy định này có tính tương đồng với việc miễn thuế nhập khẩu cho hàng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh tại Nghị định 18/2021.

Đến nay, vẫn chưa có quy định chính thức về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử. Do đó, các đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh hiện được miễn thuế nhập khẩu nhưng không được miễn thuế GTGT. Hàng hóa không gửi qua các dịch vụ này không được áp dụng định mức miễn thuế trên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *