Học phí các ngành bán dẫn ở mức 18,5 đến 94,8 triệu đồng một năm, thấp nhất là hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự, cao nhất ở Đại học FPT.
Hiện, cả nước có khoảng 25 trường đào tạo trực tiếp các chuyên ngành bán dẫn như Công nghệ vi mạch bán dẫn, Thiết kế vi mạch, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói… Trong đó, 17 trường đã công bố học phí với khóa sinh viên nhập học năm nay.
Mức học phí phổ biến là 23-41 triệu đồng một năm, thường có hai kỳ học. Riêng hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự có học phí thấp nhất – 18,5 triệu. Đây là năm đầu trường tuyển sinh hệ dân sự trở lại sau 6 năm dừng.
Trường Đại học FPT có học phí trung bình theo năm cao nhất, nhưng một năm ở đây có ba học kỳ. Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại cơ sở ở Hà Nội và TP HCM đóng mức 94,8 triệu đồng. Nếu học tại Đà Nẵng và Cần Thơ, học phí là 66,36 triệu, còn ở Quy Nhơn (Gia Lai) là 47,4 triệu.
Kế đến là trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với lần lượt 58 và 56 triệu đồng một năm.
Học phí dự kiến các ngành về bán dẫn ở 17 trường năm học 2025-2026 như sau:
TT | Trường | Ngành/Chương trình đào tạo | Học phí trung bình năm học 2025-2026 (triệu đồng) |
1 | Đại học Bách khoa Hà Nội | Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano | 28-35 |
2 | Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội | Chương trình Công nghệ bán dẫn (ngành Khoa học vật liệu) | 38 |
3 | Truờng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội | Chuyên ngành Thiết kế vi mạch (ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông) | 40 |
4 | Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội | Công nghệ kỹ thuật chip bán dẫn | 58 |
5 | Học viện Kỹ thuật quân sự | – Thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng – Công nghệ bán dẫn và nano |
18,5 |
6 | Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông | Công nghệ vi mạch bán dẫn (ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử) | 29,6-37,6 |
7 | Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) | Công nghệ vi mạch bán dẫn | 56 |
8 | Học viện Kỹ thuật mật mã | Kỹ thuật điện tử – viễn thông (chuyên ngành Hệ thống nhúng và Thiết kế vi mạch) | 39,2 (chia trung bình tín chỉ toàn khóa) |
9 | Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM | Công nghệ bán dẫn | 34,2 |
Thiết kế vi mạch | 35,5 | ||
10 | Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM | Thiết kế vi mạch | 37 |
11 | Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM | – Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành Thiết kế vi mạch số) – Thiết kế vi mạch |
30 |
12 | Đại học Tôn Đức Thắng | Kỹ thuật điện tử – viễn thông (chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn) | 34,85 |
13 | Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng | Kỹ thuật điện tử – viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch) | 30,9 |
14 | Đại học FPT | Thiết kế vi mạch bán dẫn | 94,8 (3 kỳ tại Hà Nội và TP HCM) 66,36 (tại Đà Nẵng và Cần Thơ) 47,4 (tại Quy Nhơn) |
15 | Đại học Phenikaa (Hà Nội) | Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn) | 46,2 |
Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói | 37 | ||
16 | Đại học Công nghệ Đông Á (Hà Nội, Bắc Ninh) | Công nghệ bán dẫn | 23-29 (nếu tính một năm hai kỳ) |
17 | Đại học CMC | Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn) | 40,95 (3 kỳ) |
Hiện, 8 trường đã đặt ra mức sàn với thí sinh muốn xét tuyển vào ngành về bán dẫn như Bách khoa Hà Nội, các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM.
Cụ thể, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành này, nếu đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học Tự nhiên. Tổng điểm của các môn đạt 24/30 với tổ hợp ba môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán đạt 8/10.

Sinh viên học tập tại phòng sạch, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy
Chính phủ hồi tháng 9/2024 thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 nhân lực trình độ cử nhân trở lên cho lĩnh vực này.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn, ngoài các chương trình đào tạo trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến 75 ngành sẽ đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành này, chủ yếu thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, điện tử như Vật lý học, Cơ học, Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu…
Dương Tâm