Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn Kiếp Bạc được đề cử Di sản thế giới

Việt Nam đề cử quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 47 của UNESCO.

Từ ngày 7 đến 16/7, kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra tại Paris (Pháp), với sự tham dự của 195 quốc gia thành viên. Theo hồ sơ, quần thể lấy trung tâm là Thiền phái Trúc Lâm – dòng Phật giáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, có vai trò gắn kết nhiều địa điểm, sự kiện, nhân vật trong lịch sử.

Hồ sơ được Việt Nam khởi động từ năm 2012. Trong 13 năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với ICOMOS – tổ chức tư vấn chuyên môn của UNESCO – để khảo sát và thẩm định. Ít nhất ba đoàn chính thức của ICOMOS cùng chuyên gia quốc tế đã làm việc tại Quảng Ninh, Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) và Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ) – nơi tọa lạc quần thể di sản.





Tháp Huệ Quang và Vườn tháp Tổ trong Khu di tích Yên Tử. Ảnh: Minh Cương

Tháp Huệ Quang và vườn tháp Tổ trong Khu di tích Yên Tử. Ảnh: Minh Cương

Theo hồ sơ đề cử, quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, tổng diện tích vùng đệm là 4.380,19 ha. Trong đó, vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm. Vùng đệm đóng vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, bảo đảm sự toàn vẹn và liên kết của quần thể, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Lâm nghiệp Việt Nam.

12 điểm di tích trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn Kiếp Bạc gồm:

TT Tên di tích Địa phương Vai trò và giá trị đặc biệt
1 Chùa Yên Tử (Hoa Yên) Quảng Ninh Trung tâm tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm.
2 Am Ngọa Vân Quảng Ninh Nơi Phật hoàng nhập diệt, được coi là thánh địa thiêng liêng nhất của thiền phái.
3 Thái Miếu Quảng Ninh Các điểm thiền định cổ trên tuyến hành hương Yên Tử, tiêu biểu cho thực hành tu tập giữa rừng thiêng.
4 Bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang) Quảng Ninh Di tích lịch sử vật thể, phản ánh tư tưởng nhập thế và tinh thần bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc.
5 Chùa Lân (Long Động) Quảng Ninh Trung tâm giảng pháp, đào tạo tăng tài, gắn với hoạt động tổ chức Phật sự của Trúc Lâm.
6 Chùa Côn Sơn Hải Dương cũ Nơi tu hành của Tam tổ Huyền Quang, trung tâm phát triển tư tưởng nhập thế của thiền phái.
7 Đền Kiếp Bạc Hải Dương cũ Gắn với Trần Hưng Đạo, biểu tượng kết hợp giữa hộ quốc an dân với tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
8 Chùa Thanh Mai Hải Dương cũ Nơi đây gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.
9 Động Kính Chủ Hải Dương cũ

Được ví là ‘Nam thiên đệ lục động’ tức động đẹp thứ sáu ở Việt Nam.

10 Chùa Nhẫm Dưỡng Hải Dương cũ Nơi tu hành của Hòa thượng Thủy Nguyệt, pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư.
11 Chùa Bổ Đà Bắc Giang cũ Nơi tu tập, đào tạo tăng chúng, nổi bật với hệ thống thư tịch cổ và vườn tháp độc đáo.
12 Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La) Bắc Giang cũ Trung tâm in khắc và lưu giữ hơn 3.000 mộc bản kinh Trúc Lâm, được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Trong quá trình thẩm định, ICOMOS yêu cầu hồ sơ cần chứng minh rõ giá trị nổi bật toàn cầu. Đáp lại, Việt Nam khẳng định thiền phái Trúc Lâm là hệ tư tưởng đặc biệt, kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tư tưởng này không chỉ dừng ở triết lý tu hành mà còn thấm sâu vào quản trị quốc gia, giáo dục, ngoại giao và y học, thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa đạo và đời.

Đây cũng là tông phái Phật giáo duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua thoái vị để tu hành – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài không chỉ từ bỏ ngai vàng mà còn định hình nên một tư tưởng nhập thế, trong đó người tu hành không xa lánh cuộc đời mà dấn thân phụng sự xã hội.





Am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng nhập diệt, được coi là thánh địa thiêng liêng nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Ảnh: Lê Tân

Am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng nhập diệt, được coi là thánh địa thiêng liêng nhất của thiền phái Trúc Lâm. Ảnh: Lê Tân

ICOMOS từng bày tỏ lo ngại nội dung hồ sơ còn rời rạc với nhiều câu chuyện. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm rõ tất cả thành phần trong quần thể tập trung kể về một câu chuyện cốt lõi – sự hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm. Quần thể này phản ánh đầy đủ các giai đoạn của truyền thống: khai sinh tại Yên Tử, lan truyền qua Vĩnh Nghiêm và phát triển rực rỡ tại Côn Sơn Kiếp Bạc.

Giá trị văn hóa của thiền phái Trúc Lâm thể hiện qua hệ thống chùa chiền, tháp mộ, am tu hành, tuyến hành hương, mộc bản và bia đá được quy hoạch có chủ đích trong cảnh quan thiên nhiên linh thiêng. Triết lý “vô ngã” và “nhập thế” tạo nên bản sắc Phật giáo Việt Nam khác biệt so với nhiều trường phái trong khu vực. Các lễ hội như hội xuân Yên Tử, lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc vẫn được tổ chức hàng năm, nối tiếp mạch sống tâm linh hàng trăm năm.

Lê Tân





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *