(PLO)- Các chuyên gia nhận định, tỉ giá và tín dụng có thể gây áp lực lên lạm phát nửa cuối năm 2025, nhưng giá hàng hóa giảm, nguồn cung dồi dào sẽ là yếu tố kiềm chế lạm phát.
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2025” Học viện Tài chính tổ chức sáng 9-7, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát trung bình có xu hướng tăng nhẹ so với bình quân giai đoạn 2015-2024, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và dịch vụ y tế tăng mạnh.

Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%
Đặc biệt từ quý 2, chính sách thuế quan từ các nước đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đồng thời gây áp lực lên giá cả.
Tuy nhiên, theo ông Độ, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm, nên giúp giảm áp lực lạm phát.
Trong nửa cuối năm 2025, ông Độ dự báo áp lực lạm phát cũng sẽ không lớn do giá cả tăng, giảm sẽ đan xen nhau. Lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo xoay quanh mức 3,4%, nếu Nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế, giáo dục.
Tuy nhiên, trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.
“Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát dưới 4%“, ông Độ nêu rõ.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng dự báo lạm phát cả năm 2025 sẽ dao động từ 4-4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ông nhấn mạnh, để đạt mục tiêu này, cần đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục điều hành tiền tệ linh hoạt, kiểm soát chi phí đầu vào, giữ ổn định tỉ giá và giá xăng dầu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đồng thời tăng cường minh bạch thông tin và truyền thông chính sách.
Thách thức lớn đến từ tỉ giá và tín dụng
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo thách thức trong nửa cuối năm 2025 vẫn rất lớn. Căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục kéo dài, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu tiếp tục có diễn biến khó lường, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia tài chính, chính sách cung tiền và điều chỉnh tỉ giá trong nửa đầu năm đã nới lỏng khá mạnh, có thể gây áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm.
Phân tích cụ thể, theo ông Độ, trong 6 tháng đầu năm, tỉ giá USD/VND đã tăng tương đối mạnh, bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Điều này trái với quy luật thông thường.
Nguyên nhân là do chính sách thuế nhập khẩu của nhiều nước thay đổi dẫn đến lo ngại xuất khẩu, khiến nguồn cung USD sụt giảm.
Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng trong nước là 16%, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn và gây sức ép lên giá cả thời gian tới.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, từ nay đến cuối năm 2025, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, thận trọng, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Ông Tuyến nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để điều hành tỉ giá phù hợp. Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.