Vì sao ngành du lịch và khách sạn vẫn ‘khát’ người làm được việc?

(PLO)- Những lỗ hổng về kỹ năng, ngoại ngữ và thực hành… đang trở thành rào cản lớn trong quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch và khách sạn.

Sau nửa đầu năm 2025 với lượng khách quốc tế đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng, khách sạn, lữ hành… đang bước vào giai đoạn kinh doanh cao điểm từ tháng 7 đến cuối năm. Tuy nhiên, phía sau bức tranh tăng trưởng đầy lạc quan là bài toán nan giải về nhân sự.

Tăng trưởng nóng nhưng nhân sự hụt hơi

Theo Cục Du lịch Quốc gia, hiện ngành du lịch đang thiếu khoảng 30-40% lao động có kinh nghiệm so với nhu cầu thực tế. Tình trạng phổ biến là tuyển được người nhưng phải đào tạo lại. Cạnh đó, lao động trẻ thiếu khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ hạn chế. Nhiều nhân sự chưa từng qua thực hành thực tế hoặc không quen áp lực phục vụ du khách quốc tế.

Theo doanh nghiệp lữ hành, mặc dù nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề và đại học đào tạo ngành du lịch, khách sạn, song chương trình giảng dạy vẫn nặng lý thuyết. Thực tập sinh thường chỉ tiếp cận công việc mang tính quan sát hoặc hỗ trợ đơn giản, không đủ để tích lũy kỹ năng thực chiến. Nhiều trường vẫn chưa có liên kết sâu sát với doanh nghiệp để cập nhật nhu cầu tuyển dụng mới hoặc tổ chức huấn luyện theo chuẩn quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cảnh báo: “Không thể phát triển một ngành dịch vụ có chất lượng nếu thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng. Du lịch là ngành làm dâu trăm họ, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, xử lý khủng hoảng là tối quan trọng, nhưng hiện nay lại đang bị xem nhẹ hoặc gần như không được đào tạo bài bản”.

Ngành du lịch và khách sạn đang thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Ảnh: TT.
Ngành du lịch và khách sạn đang thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Ảnh: TT.

Đồng tình, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho biết Việt Nam đang phát triển nhanh về lượng khách, nhưng sự phát triển về chất – đặc biệt là chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực – lại chưa theo kịp.

Chúng ta thiếu những người làm được việc ngay sau khi tốt nghiệp. Vấn đề nằm ở cách đào tạo còn nặng lý thuyết, thiếu gắn kết với doanh nghiệp. Đào tạo nghề phải xuất phát từ thực tiễn thị trường chứ không thể dạy theo giáo trình đóng khung.

Bức tranh này càng rõ nét hơn khi nhìn vào hậu quả để lại sau đại dịch. TS Daisy Kanagasapapathy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá khả năng thu hút nhân lực của ngành du lịch bắt đầu giảm vì đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm rời bỏ ngành và không quay lại.

Mặc dù ngành đã phát triển mạnh mẽ trở lại gần đây, nhiều người đã chọn rời khỏi ngành vĩnh viễn và tập trung vào những công việc khác. Hiện tượng này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và chuyên môn hiện nay.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực

Khi ngành du lịch và khách sạn đang ăn nên làm ra, việc để tồn tại một khoảng trống lớn về kỹ năng sẽ là điểm nghẽn kéo tụt chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng trải nghiệm du khách và làm chậm quá trình nâng tầm thương hiệu điểm đến Việt Nam.

Để giải bài toán lỗ hổng kỹ năng, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi mô hình đào tạo theo hướng “đặt hàng từ doanh nghiệp”, tăng thời lượng thực hành thực tế và cập nhật nội dung sát với xu hướng thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn như Sun Group, Saigontourist, Vinpearl… đã chủ động xây dựng học viện nội bộ hoặc hợp tác với các trường để tạo nguồn nhân sự “may đo” theo nhu cầu.

Song song đó, cần chính sách hỗ trợ người học nghề, đào tạo lại lao động chuyển ngành sau dịch cũng như khuyến khích lao động địa phương tham gia ngành du lịch tại chỗ, thay vì chỉ tuyển lao động từ thành phố lớn.

Việt Nam không thể trông chờ vào các bộ ngành riêng lẻ để giải quyết những vấn đề này. Cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để huy động tất cả các bên liên quan tập trung nhiều hơn vào du lịch nhận định.

Việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Chính phủ trong giai đoạn vừa qua là ví dụ cho thấy Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hiệu quả cao hơn. Các chuyên gia kỳ vọng động lực này sẽ tiếp tục được phát huy tại các cơ quan chủ chốt như Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất, tích hợp và linh động hơn đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và thu về lợi thế kinh tế từ quy mô.

TS Daisy Kanagasapapathy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam

du-lich-va-khach-san-2.jpg
Khách quốc tế trải nghiệm đạp xe quanh điểm đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh việc tái cấu trúc chương trình đào tạo: “Trường học cần thoát khỏi cách dạy nặng giáo trình cũ kỹ, thay vào đó phải thiết kế các khóa học theo mô hình mô phỏng thực tế từ vận hành khách sạn đến tổ chức tour. Doanh nghiệp phải là đối tác xây dựng chương trình, không chỉ là nơi tiếp nhận thực tập”.

Khi Việt Nam định vị mình là điểm đến toàn cầu cho cả du lịch và văn hóa, lực lượng lao động trong nước cần được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng xung quanh.

Với các khoản đầu tư phù hợp vào các lĩnh vực mới nổi trong ngành du lịch, kết hợp với cải cách chương trình giáo dục và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, Việt Nam có thể biến những thách thức hiện tại thành lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Cần ngành học mới, sát với thực tế

Chúng ta cần các chuyên ngành học mới và môn học sát với thực tế ngành như Quản lý doanh thu, Quản lý tài sản, Quản lý hàng xa xỉ, Quản lý sức khỏe và thậm chí là Quản lý công viên giải trí, điểm tham quan. Những kỹ năng quản lý này vẫn cần được bổ trợ bởi các kỹ năng nghề nghiệp vốn là nền tảng của hoạt động khách sạn.

Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo về du lịch và khách sạn. Các cơ sở giáo dục cần đáp ứng thực tế của doanh nghiệp tốt hơn.

Chúng tôi muốn nhận được lời khuyên của doanh nghiệp dựa trên phân tích nhu cầu hoạt động của họ, đồng thời khuyến khích các công ty trân trọng nhân viên mới hơn vì đây là đội ngũ lãnh đạo tương lai của ngành. Chúng ta cần giúp họ cảm thấy được chào đón và đánh giá cao, đồng thời nhìn thấy triển vọng nghề nghiệp lâu dài trong lĩnh vực này, bắt đầu từ mức lương tốt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn RMIT Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *