(PLO)- Các chuyên gia hiện vẫn đang thận trọng về triển vọng ngắn hạn của giá vàng thế giới, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ quan điểm lạc quan.
Giá vàng thế giới khởi đầu tuần vừa qua ở ngưỡng 3.271USD/ounce, sau đó rơi xuống ngưỡng thấp trong tuần 3.250USD/ounce, sau đó hồi phục đều đặn. Cho đến phiên giao dịch cuối cùng trước ngày Quốc khánh Mỹ, giá vàng chạm mức 3.337USD/ounce.

Giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng bởi loạt quyết định chính sách tiền tệ
Theo nội dung bài báo được Kitco News đăng tải, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, ông Adam Button, dự báo: “Giá vàng thế giới sẽ tăng. Tuần vừa rồi, sau khi thị trường đón nhận số liệu việc làm trong các ngành phi nông nghiệp Mỹ, đồng USD ban đầu tăng giá, tuy nhiên sau đó nhanh chóng đảo chiều. Điều này cho thấy xu thế bán mạnh đồng USD vẫn diễn ra, tiếp diễn những gì đã diễn ra trong nửa đầu năm nay. Giá vàng thế giới sẽ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ điều này”.
Chủ tịch kiêm COO quỹ Asset Strategies International, ông Rich Checkan, dự báo: “Giá vàng thế giới sẽ tăng. Sau khi gói chi tiêu mới được thông qua chính thức có hiệu lực, nợ công của Mỹ sẽ tăng thêm 4 ngàn tỉ USD trong 10 năm tới. Nợ công của Mỹ như vậy cao hơn so với kỳ vọng trước đây”.
Sau một tuần chịu ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến thị trường việc làm, thị trường vàng thế giới tuần tới sẽ đón nhận tác động trực tiếp từ quyết định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.
Trong ngày thứ Ba, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ thông báo quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ. Ngày thứ Tư, thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sang đến ngày thứ Năm, số liệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường vàng thế giới.
Giám đốc điều hành tại quỹ Bannockburn Global Forex, ông Marc Chandler, cho rằng giá vàng thế giới sẽ vẫn yếu đi sau khi số liệu kinh tế Mỹ gần nhất được công bố.
Ông Chandler nói: “Số liệu việc làm Mỹ tốt hơn so với kỳ vọng đã có lúc đẩy giá vàng thế giới tăng, tuy nhiên cần nhớ rằng giai đoạn điều chỉnh chưa chấm dứt và việc giá vàng thế giới trở về ngưỡng 3.250USD/ounce hoàn toàn có thể xảy ra”.
Tỉ giá đồng USD tiếp tục ở mức cao
Cập nhật vào đầu giờ sáng nay tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 118,90 – 120,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tính theo mức giá đóng cửa gần nhất của giá vàng thế giới, quy đổi ra giá vàng trong nước theo tỉ giá bán USD của ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 107,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 114,30 – 116,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng Kim Bảo 999.9 giao dịch ở mức 114,80 – 117,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 115,70 – 118,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tỉ giá đồng USD tại Vietcombank giao dịch ở mức 25.960 – 26.350 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Các ngân hàng thương mại tiếp tục nâng giá USD lên sát mức trần. Giá USD trong ngân hàng đã cao hơn 3,2% so với đầu năm và là mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỉ giá tại ngân hàng lớn là 25.980-26.370 đồng (mua – bán). Tại các ngân hàng tầm trung, giá USD là 25.990-26.371 đồng (mua – bán).
Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán đôla Mỹ quanh vùng 26.450-26.550 đồng (mua – bán), tăng nhẹ so với cuối tuần trước.
Yếu tố tác động đến tỉ giá đồng USD
Nhận định về diễn biến tỉ giá đồng USD thời gian tới, trả lời PLO, PGS.TS. Phạm Thế Anh – Trưởng Khoa kinh tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng tỉ giá vẫn phụ thuộc một phần vào tình hình thế giới.
Đầu tiên là xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Trong trường hợp lạm phát hạ nhiệt, Fed cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương khác duy trì xu hướng giảm lãi suất, áp lực tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt đôi chút. Tuy nhiên, chính sách thuế quan và xung đột địa chính trị trên thế giới đang cản trở điều này.

Ảnh: NVCC
Thứ hai là khả năng xuất khẩu của Việt Nam, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu.
Nếu Mỹ áp thuế cao, các quốc gia nhập khẩu lớn dựng hàng rào thương mại hay hàng rào kỹ thuật, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm đồng nghĩa dòng ngoại tệ thu về giảm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chững lại. Cung ngoại tệ giảm sẽ khiến tỉ giá diễn biến căng thẳng hơn.
Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là điều hành chính sách vĩ mô trong nước. Nếu cung tiền và tín dụng tăng quá nhanh thì dù chính sách lãi suất trên thế giới như thế nào, VNĐ vẫn sẽ chịu áp lực.