(PLO)- Cục Thống kê dự báo 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 8,42% và cả năm là 8% – đúng với mục tiêu tăng trưởng đề ra. Song, vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
GDP 6 tháng đầu năm xấp xỉ mục tiêu
Tại họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội quý 2, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản Quốc gia (Cục Thống kê, Bộ Tài chính) cho biết tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,52%; xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý 1.
Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế”, bà Hạnh nói.
Đánh giá dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo, bà Hạnh cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: Các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, mang vai trò chiến lược sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất.
Ngoài ra, việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, thông qua việc cung cấp vốn để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
Cạnh đó, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 1-7 với nhiều mặt hàng và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước.
Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%.

Vẫn còn những thách thức
Tuy vậy, Cục Thống kê cũng đề cập đến những thách thức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và giải pháp cần tập trung để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Theo đó, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng sẽ là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, từ đó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam.
Mặt khác, biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn.
Chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Ở trong nước, sản xuất công nghiệp mặc dù tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm và chưa đều. Một số ngành như điện tử, dệt, da giầy, chế biến gỗ…vẫn ghi nhận tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng không tăng và cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn; tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh. Người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng.
Do đó, theo Cục Thống kê, cần tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Đặc biệt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, cần tận dụng triệt để các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số nhằm đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.