TP.HCM sau sáp nhập hướng đến siêu đô thị du lịch

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch được kỳ vọng trở thành lĩnh vực tiên phong, đóng vai trò kết nối các nguồn lực, khai thác hiệu quả trải nghiệm liên vùng và phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm đà bản sắc địa phương.

Siêu đô thị kinh tế – du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, mỗi địa phương của TP.HCM sau sáp nhập đều có thế mạnh riêng.

TP.HCM nổi bật với du lịch đô thị, MICE, văn hóa – ẩm thực và các sự kiện quốc tế; Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, tâm linh và casino trong khi Bình Dương góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch với du lịch công nghiệp, làng nghề và sinh thái ven sông. Sự kết hợp này cho phép thành phố xây dựng hành trình liên kết hấp dẫn và phát triển sản phẩm theo chủ đề trải nghiệm đặc sắc.

Việc sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương hình thành một siêu đô thị du lịch. Ảnh: TT.
Việc sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương hình thành một siêu đô thị du lịch. Ảnh: TT.

Trong giai đoạn đầu, ngành du lịch TP.HCM sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chính: Kiện toàn bộ máy tổ chức và điều chỉnh quy chế làm việc phù hợp với đơn vị hành chính mới; tích hợp hệ thống dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; rà soát, đề xuất điều chỉnh các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách.

Song song đó, các sản phẩm du lịch liên vùng sẽ được phát triển theo trục chủ đề rõ ràng, giúp tái định vị thương hiệu du lịch TP.HCM và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá ở thị trường trong và ngoài nước.

Về hạ tầng, TP.HCM có lợi thế với hệ thống giao thông đang hoàn thiện. Khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa TP.HCM, Vũng Tàu và Bình Dương sẽ rút ngắn còn 30 đến 45 phút, tạo điều kiện thuận lợi để du khách quốc tế đến thẳng các khu nghỉ dưỡng ven biển mà không cần qua trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc chiến lược như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ góp phần tăng cường kết nối liên vùng và thúc đẩy mạng lưới du lịch xuyên suốt.

sieu-do-thi-du-lich-1.png
Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh du lịch biển. Ảnh: TK.

Dựa trên đặc trưng từng vùng, TP.HCM sẽ phát triển các sản phẩm du lịch theo chủ đề trải nghiệm như: “Từ phố theo sông ra biển” – kết hợp văn hóa đô thị, lễ hội sông nước, sinh thái rừng ngập mặn và nghỉ dưỡng biển; “Holiday Road” – hành trình nghỉ dưỡng từ thành phố đến vùng sông nước và ven biển; “Văn hóa biển” – kết nối Cần Giờ với Vũng Tàu, khai thác chiều sâu văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển.

Với định hướng chiến lược rõ ràng, hạ tầng ngày càng đồng bộ và tài nguyên đa dạng, TP.HCM sau sáp nhập đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch liên vùng hiện đại, năng động và giàu bản sắc.

sieu-do-thi-du-lich-2.png
Bình Dương tiềm năng phát triển du lịch công nghiệp, làng nghề. Ảnh: Lê Ánh.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành

Theo nhận định từ các doanh nghiệp du lịch, việc thay đổi địa giới hành chính không chỉ là sự điều chỉnh về mặt quản lý, mà còn mang đến nhiều cơ hội và thuận lợi mới. Đáng chú ý, quá trình này giúp khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch liên vùng nhờ việc xóa bỏ rào cản thủ tục giữa các tỉnh như trước đây.

Sau khi sáp nhập, ngành du lịch kỳ vọng sẽ có bước chuyển rõ nét trong tư duy thiết kế sản phẩm. Thay vì xây dựng tour theo địa giới hành chính từng tỉnh, xu hướng mới sẽ hướng tới phát triển tour theo không gian du lịch thống nhất với các chủ đề trải nghiệm đa dạng, phù hợp hơn với thị hiếu hiện đại.

sieu-do-thi-du-lich-4.jpg
Du lịch TP.HCM hướng đến siêu đô thị sau sáp nhập. Ảnh: TT.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết: “Chúng tôi đã rà soát và điều chỉnh toàn bộ danh mục sản phẩm, bổ sung điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú và tăng trải nghiệm để nâng cao giá trị tour.

Doanh nghiệp cũng sẵn sàng triển khai chiến dịch truyền thông với chủ đề “Khám phá những miền đất mới”, nhằm giới thiệu các tuyến tour liên vùng độc đáo đến thị trường trong và ngoài nước – được xem là lợi thế cạnh tranh cần tận dụng sớm”.

Bên cạnh đó, ông Vũ kiến nghị các địa phương sau sáp nhập cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung, kể một câu chuyện thống nhất với bộ nhận diện đồng bộ, thay thế các thương hiệu nhỏ lẻ trước đây. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quảng bá và phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối giữa các cụm du lịch trọng điểm trong khu vực mới cũng cần được ưu tiên đầu tư, nhằm đảm bảo tính liền mạch trong hành trình và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, ông Vũ đề xuất triển khai chính sách giá combo ưu đãi thay cho hình thức vé lẻ, giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí đầu vào và khách du lịch tiết kiệm chi phí tổng thể. Cách làm này sẽ góp phần nâng cao sức hút của sản phẩm du lịch trên thị trường.

sieu-do-thi-du-lich-6.jpg
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm các món ăn đặc trưng Nam Bộ. Ảnh: TT.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour cho biết, công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để mở rộng khai thác các thị trường hướng Đông và Tây Nam Bộ. Đầu quý III-2025, doanh nghiệp sẽ ra mắt bộ sản phẩm du lịch Việt Nam mới, không chỉ mang tính đặc sắc về tuyến điểm mà còn thể hiện dấu mốc văn hóa – lịch sử trong kỷ nguyên mới.

“Với sự chủ động điều hướng, thích nghi nhanh trước sự thay đổi về hành chính, địa lý và thị trường mục tiêu, Vietluxtour đặt kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lượng khách trong hai quý cuối năm đạt 30% so với cùng kỳ năm 2024” – bà Thu nhấn mạnh.

Thiết lập hành lang du lịch liên vùng

Việc mở rộng không gian hành chính sau sáp nhập mang đến cho TP.HCM một nguồn lực dồi dào cả về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa – lịch sử, hạ tầng kỹ thuật lẫn nhân lực phục vụ du lịch.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, ông Phan Đình Huê, một trong những ưu tiên hàng đầu là cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng liên tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến metro kết nối Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào mạng lưới giao thông đô thị của TP.HCM.

Đồng thời, cần phát triển mạnh các mô hình du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, chẳng hạn như bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ hay khôi phục và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống đặc trưng của vùng.

Song song với đó là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ngoại ngữ, nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản trị khách sạn, resort cao cấp. Ngoài ra, chính sách ưu đãi dành cho các dự án du lịch xanh, ứng dụng công nghệ và phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái cũng cần được ban hành kịp thời nhằm thu hút đầu tư bền vững.

sieu-do-thi-du-lich-7.jpeg
TP.HCM cần chú trọng nâng cao chất lượng nghiệp vụ hướng dẫn viên.

Một giải pháp mang tính chiến lược là thiết lập “hành lang du lịch liên vùng”, kết nối hiệu quả giữa trung tâm TP.HCM, đô thị biển Vũng Tàu và vùng sinh thái – công nghiệp Bình Dương. Dựa trên nền tảng đó, có thể xây dựng các tuyến du lịch ngắn ngày theo chủ đề hấp dẫn như: “Sáng cà phê phố, chiều tắm biển”, “Từ phố thị đến rừng ngập mặn”, tạo nên những trải nghiệm đa dạng, kết hợp giữa di sản đô thị, du lịch MICE, nghỉ dưỡng ven biển và sinh thái rừng.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, chuyển đổi số cũng là một hướng đi quan trọng. Các chuyên gia nhấn mạnh cần xây dựng nền tảng du lịch số chung cho toàn vùng, trong đó bản đồ du lịch số tích hợp dữ liệu của TP.HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu – Bình Dương, cung cấp các chức năng đặt vé, tìm kiếm, gợi ý lịch trình, sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm du khách và thúc đẩy quá trình số hóa ngành du lịch một cách toàn diện.

Đặc biệt, để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng trong điều hành và xúc tiến, cần thành lập một “Trung tâm điều phối du lịch liên vùng TP.HCM mở rộng”. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là đầu mối điều phối hoạt động xúc tiến, quảng bá, phân bổ dòng khách và thu hút đầu tư, hoạt động trên cơ chế hợp tác công – tư giữa chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp du lịch chủ lực trong khu vực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *