UBND tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND huyện Tu Mơ Rông kiểm tra toàn bộ quy trình cấp mã số vùng trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông.
UBND huyện Tu Mơ Rông đã giao UBND xã Ngọk Lây chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra lại thông tin xác nhận cấp mã số vùng trồng, diện tích cho công ty trên; kết quả báo cáo UBND huyện.

Bất ngờ với xác nhận của Chi cục Nông nghiệp
Trước đó, ngày 30-5, Chi cục Nông nghiệp- Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum cấp mã số vùng trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Ngọk Lây.
Theo giấy xác nhận này, diện tích chứng nhận 2,1 ha, sản lượng dự kiến 3 tấn theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.
Trong khi trước đó 15 ngày, Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum có văn bản trả lời Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tu Mơ Rông về bổ sung hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng của Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Văn bản nêu: Vùng trồng đề nghị cấp mã số của Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum chưa đủ cơ sở để cấp mã số vùng trồng.
Lý do: điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, độ cao khu vực trồng sâm của công ty này không đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của vùng sinh trưởng đặc hữu: độ cao từ 1.800 m trở lên, rừng nguyên sinh có độ tàn che 70–90%, nhiệt độ từ 14 – 18°C, chưa có minh chứng khoa học việc trồng sâm Ngọc Linh trong nhà màng.
Tuy nhiên, 15 ngày sau, Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum bất ngờ cấp giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum với diện tích 2,1 ha.
Đoàn kiểm tra để cấp giấy xác nhận trên chỉ có hai cán bộ của Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, gồm một phó Phòng Trồng trọt – bảo vệ thực vật và một chuyên viên.
Huyện cho rằng có dấu hiệu mập mờ
UBND huyện Tu Mơ Rông cho rằng có dấu hiệu mập mờ, trà trộn giữa sâm Ngọc Linh trồng và sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, quan điểm của huyện là việc cấp mã phải kiểm tra chính xác thực trạng, phải xác định rõ trồng sâm Ngọc Linh theo hình thức cấy mô hay sâm từ hạt để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Nếu nuôi cấy mô thì cơ quan chủ trì dự án lập hội đồng đánh giá dự án nuôi cấy mô hay chưa (hàm lượng Saponin, dư chất hóa học…).. trong khi những vấn đề này chưa được xác nhận cụ thể.
UBND huyện Tu Mơ Rông yêu cầu UBND xã Ngọk Lây kiểm tra lại việc xác nhận chính xác chưa, có diện tích như thông tin của giấy cấp mã vùng trồng hay không để huyện có hướng xử lý.

Ảnh hưởng thương hiệu sâm Ngọc Linh?
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thông tin: theo hồ sơ nhật ký năm 2021 Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng 0,3 ha (nuôi cấy mô); năm 2022 trồng 2,4 ha cây sâm giống (không ghi rõ giống cấy mô hay cây ươm từ hạt); năm 2023 trồng 1,2 ha, năm 2024 trồng 0,4 ha từ cây cấy mô.
Ông Võ Trung Mạnh cho rằng trong tổng 2,2 ha của Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ có 0,2 ha sâm Ngọc Linh, còn lại là sâm nuôi cấy mô.
“Việc này rõ ràng ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Do đó, việc cấp giấy chứng nhận nhưng không đối chiếu mã vùng trồng, lẫn lộn giữa sâm trồng và nuôi cấy mô, cần phải làm rõ, việc cấp chứng nhận này có ý nghĩa gì, vì sao gây ra sự hiểu nhầm về vùng sâm Ngọc Linh?”- ông Mạnh nói.

Đề nghị tạm dừng hoạt động mã số vùng trồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, thừa nhận việc xác nhận, cấp mã số vùng trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có một số thiếu sót. Chi cục sẽ tổ chức kiểm điểm cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, đề nghị cấp giấy xác nhận.
Việc Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum ra hai văn bản trái ngược nhau trong vòng 15 ngày, ông Tâm giải thích: Ban đầu, do hồ sơ còn thiếu nên chưa đủ điều kiện để cấp giấy xác nhận. Sau khi Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum bổ sung, thuyết minh đầy đủ thì Chi cục Nông nghiệp cấp giấy xác nhận theo quy định.
Ông Tâm nói theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, không có quy định về cấp mã vùng cho cây trồng nuôi cấy mô hay cây trồng thực sinh. Đây là sản phẩm nông nghiệp, quy mô từ 1 ha trở lên là đủ điều kiện cấp.
Nhiều ý kiến cho rằng sản lượng trong giấy xác nhận dự kiến 3 tấn, tương đương 1,5 tấn/ha là con số không tưởng, gây tranh cãi. Ông Tâm lại cho rằng số lượng này là có cơ sở. Tuy nhiên, ông Tâm nói lỗi của đoàn kiểm tra là sơ suất trong khâu thuyết minh, 3 tấn này bao gồm tổng sản lượng cả thân, lá, củ sâm Ngọc Linh.
Ông Tâm nhìn nhận việc đoàn kiểm tra không có sự tham gia của chính quyền địa phương là một thiếu sót do chủ quan.
”Chi cục Nông nghiệp đang rà soát lại, tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường có văn bản đề nghị Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn cụ thể về cấp mã số vùng trồng đối với sâm Ngọc Linh. Nếu cục hướng dẫn không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận thì mới thu hồi”- ông Tâm nói.
Trước mắt, Chi cục Nông nghiệp đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum ra văn bản tạm dừng hoạt động mã số vùng trồng sâm Ngọc Linh đã cấp cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Trước đó, từ năm 2023, PLO có nhiều bài phản ánh UBND huyện Tu Mơ Rông thu hồi giấy xác nhận “đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông” đã cấp cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Lý do thu hồi là việc cấp giấy xác nhận không đúng, chưa phù hợp với thực tế. Theo xác nhận của UBND xã Ngọk Lây, Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có thực hiện dự án nuôi cấy mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng; chưa triển khai trồng liên kết.