Thị trường Trung Đông – ‘Cánh cửa vàng’ mới cho xuất khẩu Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chiến lược hiếm có để tái định vị xuất khẩu, mở rộng thị trường và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thập kỷ tới. Trong đó, thị trường Trung Đông có thể coi như một điểm sáng quan trọng cần gấp rút hành động để tranh thủ cơ hội phát triển.

Thị trường Trung Đông – “Cánh cửa vàng” mới cho xuất khẩu Việt Nam trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu
PGS.TS Đinh Công Hoàng – chuyên gia nghiên cứu khu vực tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phân tích chi tiết về cơ hội và thách thức tại khu vực này, PGS.TS Đinh Công Hoàng – chuyên gia nghiên cứu khu vực tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – nhấn mạnh: “Nếu biết tận dụng tốt thị trường Trung Đông cùng mạng lưới thế giới Hồi giáo hơn 2 tỷ người tiêu dùng, Việt Nam có thể tạo ra động lực tăng trưởng đột phá, mở rộng quy mô xuất khẩu vượt bậc”.

Bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi, Việt Nam cần thay đổi chiến lược

Thế giới hiện đang chứng kiến những biến động sâu sắc trong cấu trúc thương mại toàn cầu. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang từ năm 2018, đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng bất định về năng lượng, vận chuyển và nguyên liệu đầu vào.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia phát triển chuyển dịch sản xuất để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với Việt Nam và nhiều nước đang phát triển, áp lực vừa duy trì đà xuất khẩu, vừa tìm kiếm thị trường thay thế cho các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu là thách thức kép.

PGS.TS Đinh Công Hoàng chia sẻ: “Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu mới chỉ ‘ngó nghiêng’ thị trường Trung Đông do cho rằng khu vực này còn xa xôi với sự khác biệt về văn hóa. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên giải quyết những việc dễ hơn, nhưng với những diễn biến địa chính trị mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều bắt buộc”.

Trung Đông và thế giới Hồi giáo – không gian tăng trưởng mới cho Việt Nam

Về cơ cấu thị trường, nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5–6% mỗi năm, vượt xa mức 1–2% của các nền kinh tế phát triển. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này đang gia tăng mạnh mẽ.

Ngoài Trung Đông, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Brunei cũng là thị trường Hồi giáo gần gũi với Việt Nam, có tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng lớn.

Thậm chí, ngay cả tại những quốc gia không phải Hồi giáo chính thống như Ấn Độ– nơi có khoảng hơn 200 triệu người theo Đạo Hồi– cũng tồn tại cộng đồng tiêu dùng đông đảo và có sức mua mạnh. Tương tự, cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia và Liên minh châu Âu cũng sở hữu quy mô dân số lớn và khả năng chi tiêu ngày càng cao.

Xét về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam có lợi thế rõ rệt trong nhiều ngành kinh tế chủ lực phù hợp với nhu cầu thị trường Hồi giáo. Trong đó, các nhóm sản phẩm như nông sản, thủy sản, dệt may, thời trang và dịch vụ du lịch Halal đã khẳng định thương hiệu và đạt sản lượng đáng kể, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng khu vực này.

PGS.TS Đinh Công Hoàng phân tích: “Không chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu dịch vụ– đặc biệt là du lịch– cũng là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Người tiêu dùng Hồi giáo đến Việt Nam sử dụng hàng hóa, dịch vụ có tiêu chuẩn Halal, chi tiêu trực tiếp tại chỗ, từ đó thúc đẩy xuất khẩu gián tiếp và tăng cường giao thương giữa hai bên”.

Thách thức lớn cần vượt qua

Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, rào cản lớn nhất là khoảng cách về nhận thức cùng với sự thiếu giao thoa văn hóa. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận hiệu quả thị trường này.

Để khắc phục, cần thay đổi nhận thức ở mọi cấp, từ trung ương đến địa phương, từ các bộ ngành đến doanh nghiệp và người dân. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường này, nay cần tập trung nguồn lực đủ mạnh để hiện thực hóa.

2705TrungDong.jpg
Sản phẩm cá ngừ Việt Nam bày bán tại hệ thống siêu thị Hoz Mall – Lebanon.
Ảnh: Bộ Công thương

Về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn Halal không chỉ là chứng nhận mà là hệ thống kiểm soát chất lượng toàn diện, xuyên suốt chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện chưa có hệ sinh thái công nghiệp Halal hoàn chỉnh, thiếu các khu công nghiệp Halal chuyên biệt như mô hình Halal Parks tại Malaysia, gây khó khăn cho phát triển chuỗi giá trị và niềm tin người tiêu dùng.

PGS.TS Đinh Công Hoàng lưu ý: “Cần phân loại thị trường rõ ràng, ưu tiên các nước có kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng cao như Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Pakistan… đồng thời không bỏ qua các thị trường gần gũi như Malaysia, Indonesia, Brunei…”.

Khuyến nghị chiến lược và hành động thiết thực

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể nhằm phát triển ngành Halal với các chương trình hành động cụ thể, rõ ràng và bài bản.

Một trong những giải pháp then chốt là phát triển các khu công nghiệp Halal chuyên biệt, mô phỏng theo mô hình Halal Parks của Malaysia, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và thiết lập chuỗi cung ứng chuẩn mực nhằm đảm bảo chất lượng và uy tín sản phẩm.

2705TrungDong1.jpg
Sản phẩm cần phải có chứng nhận Halal để có thể được các thị trường Trung Đông chấp nhận. Ảnh: VinaControl

Bên cạnh đó, việc tập hợp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, ngân hàng cùng các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn Halal là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp Halal đồng bộ và bền vững. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại khu vực Trung Đông, tận dụng hiệu quả vai trò của các cơ quan ngoại giao, thương vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, phát triển tài chính Halal và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực này cũng được xem là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

PGS.TS Đinh Công Hoàng kết luận: “Việt Nam không thể tiếp tục ‘thăm dò’ mà phải hành động quyết liệt với chiến lược rõ ràng, nguồn lực đủ mạnh, thấu hiểu văn hóa và chuẩn mực kỹ thuật, biến Trung Đông cùng thế giới Hồi giáo thành động lực tăng trưởng mới”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *