(PLO)-Đồng đô la Mỹ yếu hơn được nhận định tạo dư địa linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng đô la Mỹ đang trải qua giai đoạn suy yếu trên thị trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam, với độ mở cửa cao và mối quan hệ thương mại sâu rộng với Mỹ, có thể chịu nhiều tác động đa chiều từ diễn biến này.
Áp lực giảm giá
Chỉ số đồng đô la Mỹ (USD Index) hiện neo quanh mức 99 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Trước đó, chỉ số này từng đạt đỉnh 109-110 điểm.
Theo giới phân tích, các chính sách của chính quyền ông Trump, đặc biệt liên quan đến thương mại, đang gây áp lực giảm giá lên đồng đô la Mỹ. Đồng thời, việc ông Trump liên tiếp đưa ra các chỉ trích nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vì chậm giảm lãi suất… đã khiến giới đầu tư lo ngại, tìm cách giảm tỷ trọng nắm giữ đồng đô la Mỹ để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và các ngoại tệ mạnh khác.

Goldman Sachs nhận định, thuế nhập khẩu của Mỹ cũng đang góp phần làm suy yếu đồng đô la Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Các lý do bao gồm niềm tin kinh tế suy giảm, chi phí nhập khẩu gia tăng do doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ gánh chịu, cùng với nguy cơ thuế quan đáp trả gây thiệt hại cho xuất khẩu của Mỹ.
Các chính sách thương mại khó lường được xem là có khả năng gây xói mòn vị thế của Mỹ trên thị trường toàn cầu, đồng thời dấy lên những tranh luận về các lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Nhìn rộng hơn, đồng đô la yếu hơn có thể giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ theo thời gian. Các công ty Mỹ có hoạt động ở nước ngoài cũng hưởng lợi khi quy đổi lợi nhuận thu về bằng ngoại tệ sang đồng USD, số tiền họ nhận được sẽ nhiều hơn so với khi đồng đô la mạnh.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tổ chức đang giảm mạnh tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trước lo ngại về chính sách kinh tế và rủi ro suy thoái. Khảo sát của Bank of America cho thấy, hơn 60% nhà đầu tư dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu, trong khi Deutsche Bank đưa ra cảnh báo về một “khủng hoảng niềm tin” tương tự như cú sốc năm 1971.
Các mức thuế nhập khẩu mới đã làm tăng chi phí hàng hóa, góp phần đẩy lạm phát lên cao. Ông Steve Ricchiuto, Kinh tế trưởng Tập đoàn Mizuho Financial, nhận định rằng sự suy yếu của đồng USD phản ánh kỳ vọng về lạm phát cao hơn trong tương lai.
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, sự suy yếu của đồng USD hiện nay là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm chính sách kinh tế thiếu nhất quán, lo ngại về suy thoái, áp lực lạm phát và sự mất niềm tin vào vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh đồng USD suy yếu, các nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn an toàn ở các tài sản như vàng, đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục. Điều này phản ánh sự mất niềm tin vào đồng USD và xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế.
Theo các chuyên gia, đồng đô la Mỹ yếu hơn được cho là mang đến cả cơ hội và thách thức, tác động đáng kể đến các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư, tỉ giá hối đoái và gánh nặng nợ vay bằng USD của doanh nghiệp.
Thách thức và cơ hội đan xen
Các chuyên gia Công ty chứng khoán KBSV nhận định, việc đồng đô la Mỹ suy yếu trở lại sau giai đoạn tăng mạnh sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại kéo dài làm suy giảm nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam, tỷ giá vẫn có thể đối mặt với áp lực tăng trong các quý còn lại của năm.
Khách hàng ở Mỹ lo ngại về chính sách thuế quan bất định có thể đẩy mạnh nhập khẩu, điều này hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ trong nước, góp phần giảm bớt căng thẳng tỷ giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn nửa sau của năm, hoạt động xuất khẩu và giải ngân FDI có thể sụt giảm, gây tác động tiêu cực rõ rệt hơn đến tỷ giá.
Hai yếu tố cần được đánh giá và theo dõi kỹ lưỡng sau khi có quyết định cuối cùng là mức thuế mà Việt Nam phải đối mặt để đánh giá ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và mức thuế này so với các đối thủ cạnh tranh sẽ tác động ra sao đến sự dịch chuyển dòng vốn FDI trong dài hạn.
“Áp lực lên tỷ giá vẫn là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong các tháng tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều biến động khó lường”– KBVS nhận định
Còn chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng, đồng đô la Mỹ suy yếu khiến việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối mặt với nhiều bất lợi, nhưng lại giúp giảm chi phí các giao dịch nhập khẩu được định giá bằng USD. Điều này có thể giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và kiểm soát lạm phát.
Doanh nghiệp Việt Nam có khoản nợ vay bằng USD cũng sẽ phải trả ít hơn khi quy đổi sang tiền đồng nếu USD suy yếu, giúp giảm gánh nặng tài chính và cải thiện dòng tiền.
“Nhìn chung, sự suy yếu của đồng đô la Mỹ mang đến cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Việc tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào chính sách điều hành linh hoạt và hiệu quả của các cơ quan chức năng”- ông Phương nhận định.
Công ty chứng khoán KBSV nhận định, trong năm 2025, dự báo tỷ giá sẽ có diễn biến phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất định từ bên ngoài. Chính sách thuế quan của Mỹ dự kiến sẽ tạo ra tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại toàn cầu.
Do đó, tỷ giá USD/VND có thể tăng xấp xỉ 4% so với cuối năm 2024. Diễn biến tỷ giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hai yếu tố chính là cung và cầu ngoại tệ, đặc biệt là các dòng vốn FDI, cán cân thương mại và kiều hối, cũng như diễn biến của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, thể hiện qua chỉ số DXY (USD Index).