Loạt đại học Mỹ củng cố tài chính khi lọt tầm ngắm của ông Trump

Nhiều đại học hàng đầu tại Mỹ đang gấp rút tìm cách huy động tài chính, giữa sức ép can thiệp và đe dọa cắt tài trợ từ chính quyền Trump.

Đại học Princeton tháng này phát hành trái phiếu để huy động 320 triệu USD, trong khi Đại học Northwestern đến nay đã huy động 500 triệu USD qua trái phiếu và con số của Harvard là 750 triệu USD.

Đây đều là những trường đã lọt vào “tầm ngắm” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông tìm cách gây sức ép để buộc các cơ sở giáo dục hàng đầu Mỹ thay đổi cách thức giảng dạy, tuyển sinh nhằm giải quyết vấn đề “bài xích Do Thái” cũng như quan điểm mà ông cho là “cực tả”.

Dù chưa bị chính quyền Trump nhắm đến, Đại học Yale ở bang Connecticut cũng đang tìm cách bán danh mục đầu tư cổ phần tư nhân trị giá hàng tỷ USD.

Các đại học Mỹ chưa từng phải dùng đến các biện pháp tài chính quyết liệt đến thế trong hơn một thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Cả trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, các đại học lớn của Mỹ cũng không cần phải huy động tiền ở mức độ như vậy.

“Hầu hết các trường chưa đến mức hoảng loạn, nhưng họ muốn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, Greg Dowling, chuyên gia tư vấn đầu tư tại Fund Evaluation Group (FEG), nhận định.





Khách tham quan Đại học Harvard ngày 2/1. Ảnh: AP

Khách tham quan Đại học Harvard ngày 2/1. Ảnh: AP

Nỗ lực gom tiền của các đại học diễn ra sau khi chính quyền Trump đình chỉ, tạm ngừng hoặc đưa vào diện rà soát tổng cộng hơn 10 tỷ USD tài trợ liên bang dành cho các trường hàng đầu của Mỹ. Bộ Giáo dục Mỹ và các cơ quan liên quan mô tả đây là kế hoạch cải tổ sâu rộng mô hình hoạt động giáo dục đại học, đặc biệt là chống tư tưởng bài xích Do Thái.

Trong hồ sơ chào bán trái phiếu tháng trước, Northwestern cho biết hơn 75% tổng nguồn vốn nghiên cứu năm ngoái của trường đến từ ngân sách liên bang. Trường đã bắt đầu rà soát chi tiêu và cắt giảm 10% ngân sách vận hành không liên quan đến nhân sự trong tình hình biến động hiện nay.

Tương tự Harvard, Northwestern và Brown, Princeton chọn phát hành trái phiếu chịu thuế, chấp nhận gánh lãi suất cao hơn so với trái phiếu miễn thuế truyền thống trong lĩnh vực giáo dục.

Họ chọn phương pháp này để linh hoạt hơn trong sử dụng dòng vốn vừa được huy động, trong đó có bù đắp thiếu hụt ngân sách nếu cần. Princeton xác nhận Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng một số cơ quan liên bang khác đã ngưng hàng chục khoản tài trợ cho trường.

Mặc dù nhiều trường có quỹ dự trữ lớn, điển hình là Harvard với tổng giá trị quỹ hơn 50 tỷ USD, phần lớn nguồn tiền đi kèm ràng buộc của nhà tài trợ hoặc được quy hoạch dài hạn.

Yale trong hơn một năm qua đã tìm cách bán danh mục đầu tư cổ phần tư nhân trị giá 5,5 tỷ USD để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư vào cổ phần tư nhân thường có thời hạn lên đến một thập kỷ, nên việc rút vốn sớm gần như chắc chắn phải chấp nhận bán với mức chiết khấu sâu.

Hàng loạt đại học khắp nước Mỹ đã có những biện pháp phản ứng mạnh mẽ khi cho rằng chính quyền Trump đang can thiệp quá mức vào tự do học thuật.

Tuần trước, ông Trump đe dọa xem xét lại quy chế miễn thuế và quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, sau khi trường từ chối thực hiện các yêu cầu cải tổ theo định hướng của chính phủ.

Đại học Harvard ngày 21/4 khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump vì quyết định đóng băng hàng tỷ USD tiền tài trợ liên bang. Một ngày sau, hơn 220 lãnh đạo giáo dục đại học Mỹ ký tên vào tuyên bố chung lên án động thái “can thiệp” của chính quyền.

“Chúng tôi cùng cất lên tiếng nói phản đối sự lạm quyền và can thiệp chính trị chưa từng có tiền lệ từ chính phủ, đang đe dọa nền giáo dục đại học của nước Mỹ”, lãnh đạo các đại học và tổ chức giáo dục trên cả nước Mỹ viết trong tuyên bố chung.

Thanh Danh (Theo WSJ, Harvard Crimson, Daily Princetonian)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *