Khoảng 30.000 người, chủ yếu là người Druze, đang mắc kẹt trong thành phố Sweida bị vây hãm, trong tình trạng không có điện, nhu yếu phẩm cạn dần.
Thành phố Sweida, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Syria, tuần qua chứng kiến những cuộc giao tranh đẫm máu giữa dân quân người Druze với quân đội chính phủ và các tổ chức vũ trang người Bedouin.
Xung đột nổ ra từ những bất đồng giữa người Druze với người Bedouin, hai phe phái “không đội trời chung” ở Sweida. Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa sau đó triển khai quân đội, an ninh tới thành phố này, phối hợp với các nhóm vũ trang người Bedouin tấn công dân quân Druze.
Quân đội chính phủ Syria rút khỏi Sweida đầu tuần trước, sau khi bị Israel không kích dữ dội. Tuy nhiên, lực lượng Bedouin cùng các nhóm vũ trang Hồi giáo từ khắp nơi trên đất nước vẫn kéo về Sweida để tấn công người Druze.
Các nhóm Bedouin ngày 20/7 đạt thỏa thuận ngừng bắn với người Druze, do Mỹ làm trung gian, đồng thời rút quân khỏi thành phố, nhưng vẫn duy trì lực lượng bao vây xung quanh, khiến 30.000 người bị mắc kẹt trong đô thị này cùng các thị trấn lân cận, trong tình cảnh không có điện, Internet và nguồn cung thực phẩm, nước uống ngày càng cạn kiệt.
Cách trung tâm thành phố Sweida khoảng 25 km, các chốt chặn và công sự bằng đất được dựng lên. Hàng chục nhân viên an ninh Syria xếp hàng đứng trước gò đất và đứng gác ở các điểm xa hơn trên con đường chính dẫn vào thành phố để ngăn xe cộ ra vào.
Các nhóm chiến binh Bedouin, từng chiến đấu dữ dội bên trong thành phố Sweida vài ngày trước, giờ đây rút ra và chốt chặn mọi ngả đường. “Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, một người hét lớn.

Các chiến binh Bedouin (bên phải) đứng gác khi bị lực lượng an ninh chính phủ Syria (trái) ngăn tiến vào Sweida hôm 20/7. Ảnh: AP
Thỏa thuận ngừng bắn giữa các lãnh đạo cộng đồng Druze và Bedouin đã khiến một số người thất vọng. Một số chiến binh Hồi giáo, luôn đeo sẵn súng trên lưng, đang nóng lòng muốn tiến vào Sweida để tiếp tục chiến đấu, song các lãnh đạo cộng đồng đã ra lệnh cho họ không manh động.
“Chúng ta không chống lại người Druze. Chúng ta không đến đây để giết người Druze”, Khalaf al Modhi, lãnh đạo nhóm United Tribes (Những Bộ tộc Thống nhất), thuộc cộng đồng Bedouin, răn đe nhóm chiến binh.
Tuy nhiên, ông Modhi vẫn chỉ trích giáo sĩ cấp cao Hikmat al Hijiri của cộng đồng Druze, người đang ở trong thành phố Sweida. Ông Hijiri có quan điểm hoài nghi chính phủ mới do Tổng thống lâm thời Sharaa lãnh đạo và phản đối việc trao quyền cho Damascus.
Khi lực lượng Bedouin rút khỏi trung tâm thành phố, đồng nghĩa dân quân Druze dưới sự chỉ huy của ông Hijiri là những người quyết định ai được vào hoặc ra khỏi “chảo lửa” này.
Tình hình nhân đạo của hàng chục nghìn người dân mắc kẹt trong thành phố Sweida đang tệ đi từng ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có hành lang an toàn nào được các bên thống nhất để đưa những người dân mắc kẹt rời đi. Liên Hợp Quốc trước đó ước tính có gần 130.000 người ở Sweida phải sơ tán và rời bỏ nhà cửa do giao tranh.
Việc duy trì lệnh ngừng bắn giữa các bên là chìa khóa để đảm bảo tìm ra giải pháp giúp đỡ người dân nhanh chóng. Đây cũng là thách thức nghiêm trọng nhất mà tân lãnh đạo Syria và chính phủ lâm thời của ông phải đối mặt.
Cộng đồng Druze do ông Hijiri lãnh đạo ngờ vực chính phủ Syria rất sâu sắc, tới mức các lãnh đạo Druze từ chối nhận hàng viện trợ từ bất cứ cơ quan chính phủ nào cung cấp.
Sau các cuộc giao tranh, bên trong thành phố Sweida vẫn la liệt xác chết trên đường phố, trong đó nhiều người dường như bị hành quyết tại chỗ. Nhiều ngôi nhà, cơ sở kinh doanh vẫn bốc cháy sau các trận giao tranh dữ dội.

Vị trí tỉnh Sweida, Syria và Israel. Đồ họa: WP
Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn giữa người Bedouin gốc Arab và kình địch người Druze ở miền nam Syria có thể kéo dài trong bao lâu.
Kể từ khi ông Sharaa lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad để lên nắm quyền, các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái gia tăng ở Syria. Một số vụ tấn công vào các nhóm thiểu số do quân đội Syria thực hiện làm gia tăng hoài nghi của người Druze về chính quyền mới ở Damascus cũng như giải pháp cùng tồn tại hòa bình ở quốc gia này.
Ngọc Ánh (Theo Sky News, AP)